05/07/2017
SƠ KẾT CÔNG TÁC AN TOÀN THỰC PHẨM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017
Sáng 5/7/2017, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Đồng chí Phạm Thu Xanh – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm thanh phố; Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện.
Trên địa bàn thành phố hiện nay ước tính có khoảng 23.422 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm các loại bao gồm: 6.853 cơ sở sản xuất, 7.399 cơ sở kinh doanh, 9.170 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó chủ yếu là các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, kinh doanh thức ăn đường phố. Trong 6 tháng đầu năm 2017, BCĐ liên ngành về ATTP thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, triển khai công tác truyền thông, tuyên truyền kiến thức về ATTP tới người dân; các quy định của pháp luật tới người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. 239 Lễ phát động và Hội nghị triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2017 với chủ đề “Sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn – Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” đã được tổ chức từ thành phố tới các quận, huyện, xã, phường. Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố tổ chức 573 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn thực phẩm; trong đó có 98 đoàn kiểm tra tuyến thành phố, 42 đoàn kiểm tra tuyến huyện và 433 đoàn kiểm tra tuyến xã. Qua quá trình kiểm tra 15.272 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kết quả cho thấy có 11.245 cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu với tỷ lệ 73,6%, có 284 cơ sở vi phạm bị xử lý, trong đó 02 cơ sở phạt cảnh cáo, 262 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt là 975.348.000 đồng. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như: thủ tục hành chính, quản lý thực phẩm nhập khẩu, giám sát mẫu thực phẩm trên thị trường, quản lý ngộ độc thực phẩm đều được các sở, ban, ngành liên quan thực hiện tích cực.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên công tác an toàn thực phẩm của thành phố vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Một số địa phương, đơn vị chưa vào cuộc quyết liệt trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc kiểm soát sử dụng vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi còn bất cập do lực lượng cán bộ phụ trách về nông nghiệp còn mỏng, việc kiểm soát sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất ban đầu hầu như chưa được triển khai hiệu quả. Việc quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ, các cơ sở sản xuất rượu thủ công...gặp nhiều khó khăn do các cơ sở chưa đầu tư về trang thiết bị dụng cụ, cơ sở vật chất; chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến có kiến thức và ý thức chưa cao về việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc lấy mẫu trong thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP trên thị trường chưa thực hiện thường xuyên do đó chưa chủ động phát hiện các nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm. Nguồn thực phẩm tại các chợ vẫn chưa được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, đặc biệt là các thực phẩm đi theo đường tiểu ngạch, thực phẩm có xuất xứ từ tỉnh ngoài và từ nước ngoài. Kinh phí cho hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hiện nay việc tập huấn kiến thức, các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được nhiều địa phương, đơn vị quan tâm đúng mức thậm chí bỏ ngỏ do đó gây nhiều khó khăn cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Thu Xanh – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Thường trực BCĐ liên ngành về ATTP thành phố đề nghị trong thời gian tới, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố tăng cường hơn nữa năng lực, trách nhiệm quản lý về ATTP; chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng được một bộ dữ liệu hoàn chỉnh để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về ATTP. Việc phân công, phân cấp rõ về trách nhiệm quản lý, cấp phép, giám sát....cần được các địa phương quan tâm hơn. Tăng cường thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những tuyên truyền, hướng dẫn người dân không sử dụng thuốc trước khi thu hoạch, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Cần sớm hình thành các đại lý kinh doanh thực phẩm an toàn để cung ứng cho nhân dân. Đề nghị UBND các quận, huyện khắc phục khó khăn, bố trí kinh phí, nguồn nhân lực và có sự phối hợp tích cực với các sở, ban, ngành có liên quan vào cuộc tích cực hơn nữa trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng chí Phạm Thu Xanh – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Thường trực BCĐ liên ngành về ATTP thành phố cũng ghi nhận và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị đề xuất của các đơn vị và sẽ có tham mưu, báo cáo cho thành phố cũng như Chính Phủ để có hướng điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Linh Hương
|